Sau khi sụt giảm mạnh, thị trường chứng khoán đã có chút hưng phấn khi Thông tư 74 của Bộ Tài chính về hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán vừa được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 1- 8 tới.
Thoáng hơn cho nhà đầu tư
Điểm thu hút nhà đầu tư của thông tư vẫn là việc quy định cho phép công ty chứng khoán (CTCK) sử dụng margin (giao dịch ký quỹ), cho phép nhà đầu tư mở nhiều tài khoản ở các CTCK khác nhau và đặc biệt là được mua bán trong cùng một phiên loại cổ phiếu đã có sẵn trong tài khoản. TS Phạm Linh, Tổng Giám đốc CTCK Quốc tế (VIS), cho rằng Thông tư 74 là yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường, đặc biệt là trong thời gian tới. Chẳng hạn, việc cho phép margin sẽ có lợi trước hết là các CTCK vì không còn phải chạy đua, cạnh tranh tỉ lệ như trước đây.
Chưa kể, sẽ hạn chế rủi ro trong tranh chấp với nhà đầu tư vì thực tế thời gian qua, các hình thức hợp đồng cho nhà đầu tư dùng margin đều không có giá trị pháp lý. Ngoài ra, khi chính thức cho phép margin với tỉ lệ cụ thể, cơ quan quản lý cũng có điều kiện giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn nên sẽ hạn chế rủi ro về an toàn tài chính của các CTCK cũng như rủi ro về margin mà thời gian qua cơ quan quản lý hầu như không giám sát được.
Cũng theo TS Phạm Linh, việc nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản đứng tên mình tại các CTCK sẽ thuận lợi trong việc giao dịch ký quỹ. Việc cho mua bán cùng phiên một loại cổ phiếu khi nhà đầu tư có sẵn cổ phiếu đó trong tài khoản sẽ giúp nhà đầu tư có thể bán ngay mà không cần phải đợi hôm sau như trước đây, từ đó nhà đầu tư giảm thiểu được rủi ro và tăng khả năng sinh lời. Ngoài ra, đối với nhà đầu tư nước ngoài, danh mục đầu tư được bí mật hơn nên sẽ hạn chế được các giao dịch nội gián…
Riêng với quy định về việc “nhân viên CTCK không được phép nhận ủy quyền của nhà đầu tư”, nhiều ý kiến cho rằng sẽ “làm khó CTCK” nhưng theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc CTCK SJC, quy định này rất có lợi cho nhà đầu tư vì sẽ hạn chế hiện tượng nhân viên CTCK nhận ủy quyền, rồi tự ý giao dịch mua bán có thể làm thiệt hại cho nhà đầu tư (thực tế đã từng xảy ra một số vụ thưa kiện về hiện tượng này).
Xử nặng hành vi vi phạm
Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã đưa ra dự thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo thông tư thay thế Quyết định số 27 của Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động CTCK và lấy ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 85 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán...
Tại các văn bản này đã bổ sung, sửa đổi rất nhiều nội dung với tính chất tăng cường xử phạt, giám sát thị trường. Chẳng hạn, các CTCK sẽ bị giám sát chặt hơn trong quá trình cho vay tiền mua chứng khoán trái quy định. Về quy định chào mua công khai, CTCK cũng được bổ sung là một trong những đối tượng bị xử phạt nặng (200 triệu đồng) nếu CTCK đó là đại lý thực hiện chào mua công khai nhưng CTCK, nhân viên CTCK lợi dụng việc biết thông tin để thực hiện các giao dịch nội gián, làm giá…
Đối với vi phạm về giao dịch chứng khoán, ngoài mức phạt từ 30-50 triệu đồng cho các đối tượng cần công bố thông tin khi giao dịch cổ phiếu theo quy định thì dự thảo cũng bổ sung mức phạt từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với những người có liên quan đến các đối tượng thuộc diện cần công bố thông tin nhưng không báo cáo, báo cáo không chính xác…
Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đang lấy ý kiến đóng góp từ các đơn vị, tổ chức liên quan để sớm cho ra bộ chỉ số VN-Index 30, dự kiến vào tháng 10 tới. Theo đó, bộ chỉ số sẽ lấy chỉ số giá chung của 30 doanh nghiệp niêm yết đại diện thuộc nhóm blue-chips đang niêm yết tại HoSE.
Thực tế, thời gian qua, VN-Index đã không phản ánh đúng thực tế thị trường do bị chi phối bởi một số mã chứng khoán có vốn hóa lớn nhưng khối lượng giao dịch trên thị trường không nhiều (chỉ tính 3 mã BVH, MSN và VIC đã chiếm hơn 30% vốn hóa thị trường). Nguyên nhân là do ban điều hành, nhà đầu tư chiến lược, cổ đông Nhà nước ở các mã này nắm giữ nhiều cổ phiếu.
Báo Người Lao Động